Vương Quốc Đảo Ngược: Hành Trình 8 Ngày Qua Các Phước LànhBài mẫu

Khuôn Mặt của Lòng Thương Xót
Phước cho những người có lòng thương xót, Vì sẽ được thương xót! Ma-thi-ơ 5:7
KHI CHÚNG TA BẮT ĐẦU
Một người phụ nữ 70 tuổi tên Marinella Beretta được tìm thấy đã qua đời tại Prestino, gần hồ Como ở miền bắc Ý. Cảnh sát phát hiện thi thể bà trong trạng thái bị ướp xác tại bàn ăn của mình, hơn hai năm sau khi bà qua đời. Hóa ra, hàng xóm của Marinella không thấy bà trong suốt hai năm rưỡi. “Bà ấy là hiện thân của sự cô đơn,” nhà báo Massimo Gramellini viết về câu chuyện này. “Người ta chết trong cô đơn. Và chúng ta sống cô đơn, điều này thậm chí còn tồi tệ hơn.”
Lời kết bài báo của ông thật sự gây suy ngẫm: “Bí ẩn về cuộc sống vô hình của Marinella phía sau cánh cổng đóng kín dạy chúng ta một bài học kinh khủng. Điều buồn thực sự không phải là người khác không nhận ra cái chết của bà, mà là họ không nhận ra rằng Marinella Beretta vẫn còn sống.”
THÔNG ĐIỆP TĨNH NGUYỆN
Sau khi nhận được lòng thương xót của Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhận biết những nhu cầu của người khác. Thật dễ để bỏ qua nhu cầu của những người thân trong cùng mái nhà, chứ chưa nói đến những người hàng xóm và bạn bè ít được chú ý. Nhưng chúng ta được kêu gọi để nhận biết và quan tâm.
NHẬN XÉT
Chúa Giê-xu kêu gọi chúng ta chú ý đến người khác, nhận ra nhu cầu của họ một cách đầy lòng trắc ẩn. “Khi thấy những đoàn người đông đảo, Ngài động lòng thương xót vì họ khốn cùng và tan lạc như chiên không có người chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Đây là nhịp đập của Phước Lành này—điều mà Calvin mô tả là sự đồng cảm với nỗi đau của người lân cận, hay hôm nay chúng ta gọi là lòng thấu cảm.
Bày tỏ lòng thương xót của Đức Chúa Trời không chỉ tạo ra một dòng chảy nhỏ, mà là một cơn lũ lớn. “Lúc ấy, Phi-e-rơ đến gần Đức Chúa Giê-xu và hỏi: “Thưa Chúa, nếu anh em con phạm lỗi với con thì con sẽ tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?’” (Ma-thi-ơ 18:21).
Sự tha thứ không phải là một hành động từ thiện thông thường; đó là một hành động đức tin và hy vọng thuộc về thời cuối cùng. Nói cách khác, khi tha thứ cho người khác, chúng ta bày tỏ niềm tin rằng Đấng Christ sẽ trở lại và đầy lòng thương xót mà sửa lại mọi điều sai trái. Sự cứu rỗi của chúng ta cho phép chúng ta đối mặt với những tội ác nghiêm trọng nhất bằng hy vọng. Như Phao-lô nói “Nhưng nơi nào tội lỗi gia tăng thì ân điển lại càng dư dật hơn.” (Rô-ma 5:20).
ÁP DỤNG
Bởi chỉ một mình Đức Chúa Trời có thể hoàn toàn chữa lành vết thương và làm sống lại kẻ chết, chúng ta cần có tấm lòng thương xót của Ngài nếu muốn tha thứ cho người khác. Vì lẽ đó, Chúa Giê-xu đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Chúng ta có thể nói điều gì ít hơn thế?
Hãy cầu nguyện để Chúa biến đổi tấm lòng chai cứng, thiếu lòng tha thứ của chúng ta. Mỗi khi chúng ta mở rộng lòng thương xót, tha thứ và lòng trắc ẩn nhân danh Đấng Christ—một tình yêu thương tha thứ tội lỗi của người khác—chúng ta đang hướng tới triều đại sắp đến của Ngài, một phước lành của vương quốc mà chúng ta có thể tận hưởng ngay trên đất này như ở trên trời.
Kinh Thánh
Thông tin về Kế hoạch

Trong các Phước Lành (Ma-thi-ơ 5:2–12), Chúa Giê-xu khuyên chúng ta hãy sống khác biệt với thế gian, hình thành một nền văn hóa đối nghịch với một danh tính mới được đâm rễ trong Ngài. Vương Quốc Đảo Ngược nghiên cứu sự khôn ngoan đầy nghịch lý này và khám phá tính thực tiễn của điều đó trong thời đại ngày nay.
More